MÁI NHÀ TRUYỀN THỐNG TRONG KIẾN TRÚC THÁI LAN
Đặc điểm mái nhà truyền thống trong kiến trúc Thái Lan
Mái nhà trong kiến trúc Thái Lan: Kiến trúc Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ kiến trúc Phật giáo. Nét đặc trưng nhất của những ngôi nhà bằng gỗ ở Thái Lan là hệ mái vô cùng cầu kì và phức tạp.
Mái nhà gồm phần mái cao được thiết kế cong vút mềm mại cùng với những đỉnh nhọn vô cùng sống động và mái hiên dốc nghiêng. Các hoạ tiết trên mái nhà được chạm khắc vô cùng tinh xảo thể hiện rõ ràng văn hóa Phật giáo.
Cấu tạo mái nhà truyền thống trong kiến trúc Thái Lan
Mái nhà ở Thái Lan có cấu tạo nhiều lớp, ngói men nhiều màu và phần gờ mái được trang trí rất phong phú.
Thái Lan có khí hậu gần như nóng quanh năm, nên mái nhà truyền thống Thái Lan được xây cao có độ dốc lớn, giúp cho:
- Vào mùa hè, không khí trong nhà sẽ mát mẻ hơn.
- Vào mùa mưa, nước mưa sẽ được trôi dễ dàng.
- Tận dụng được ánh sáng thiên nhiên.
Trong điểu kiện thiên nhiên nhiệt đới ẩm, kiến trúc ở các nước Đông Nam Á nói chung và kiến trúc Thái Lan nói riêng đều có bộ khung vững chắc bằng gỗ. Kết cấu kèo bằng vật liệu gỗ rất phổ biến trong kiến trúc Thái Lan giúp mang lại nét sang trọng tinh tế trong vẻ ngoài bình dị mộc mạc.
Mái nhà được lợp bằng vật liệu đất nung (ngói men) giúp công trình chống đỡ tốt với mưa nắng cũng như hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài. Ở một số vùng nông thôn, mái nhà thường được lợp bằng lá tranh hoặc lá cọ.
Mái nhà Thái Lan có sự kết hợp hài hòa đươc hai yếu tố hoàn toàn khác biệt nhau. Một bên là màu sắc sặc sỡ, một bên là màu sắc dịu dàng, trầm mặc.
Khí hậu vùng miền ảnh hưởng đến kiến trúc mái nhà truyền thống ở Thái Lan
Tùy vào đặc điểm khí hậu ở từng khu vực địa lý mà các mái nhà có những thiết kế khác nhau để thích ứng:
- Khu vực phía Bắc có thời tiết mát mẻ nên mái hơi thấp.
- Ở phía Nam có mùa mưa kéo dài, mái cần có độ cao lớn và dốc đứng để đối phó với mưa lớn và gió. Độ dốc của mái mở rộng cho phép nước mưa thoát ra khỏi mái nhà nhanh chóng và giúp mái nhà khô nhanh.
- Ở khu vực đồng bằng trung tâm, mái nhà xây theo hướng đông-tây. Điều này là để cắt giảm lượng ánh sáng mặt trời vào phần thân chính của ngôi nhà và đồng thời thu được lợi ích tối đa của gió mát.