KIẾN TRÚC MÁI NHÀ TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM
Kiến trúc mái nhà truyền thống ở Việt Nam có những nét nổi bật về hình dáng, kết cấu và vật liệu. Ở những vùng miền khác nhau, mái nhà lại thể hiện những đặc trưng riêng phù hợp với văn hóa và khí hậu tại nơi đó.
Mái nhà ở Bắc Bộ
Mái nhà ở miền Bắc thường được lợp mái tranh, mái rơm, mái cọ hoặc ngói. Kết cấu khung mái là kết cấu tre hoặc gỗ buộc bằng lạt tre.
Mái nhà ở miền Trung
Mái nhà ở miền Trung gồm 2 lớp: lớp mái đầu tiên bằng đất nện (đất sét trộn rơm), lớp mái thứ hai lợp ngói hoặc tranh. Khoảng cách giữa 2 lớp mái khoảng 40cm-50cm. Vì lớp mái khá dày nên giúp cách nhiệt, giúp ngôi nhà luôn thoáng mát trước cái nắng gay gắt ở miền Trung.
Mái nhà Rông Tây Nguyên
Mái nhà Rông có hình dạng giống như một lưỡi búa hướng lên trời hoặc nhìn như tấm buồm căng gió. Hình ảnh ấy tựa như sự vững vàng, mạnh mẽ của những con người nơi đó, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn của thiên nhiên và cuộc sống.
Trên những vì kèo được chạm khắc, trang trí những hoa văn, hình ảnh thể hiện cuộc sống buôn làng hoặc tín ngưỡng tôn giáo.
Mái nhà ở Nam Bộ
Mái nhà Nam Bộ được lợp bằng vật liệu chính là lá dừa nước. Lá dừa nước là vật liệu cách nhiệt rất tốt, phù hợp với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều ở nơi đây. Tuy nhiên, mỗi ngôi nhà trung bình 3-5 năm đều phải thay lá mới.
Đối với những gia đình khá giả, họ lợp mái nhà bằng ngói thay vì lá dừa nước.