GIẾNG TRỜI TRONG KIẾN TRÚC
Giếng trời là gì?
Giếng trời là giải pháp kiến trúc đã xuất hiện từ thời kiến trúc La Mã cổ đại, như trong công trình Pantheon.
Giếng trời là khoảng trống thông từ mái thẳng xuống nền đất nhằm lấy sáng và thông thoáng tự nhiên cho ngôi nhà. Giếng trời vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính mỹ thuật, là điểm nhấn đặc biệt cho mọi công trình.
Vị trí đặt giếng trời trong kiến trúc
Giếng trời có thể được đặt ở nhiều vị trí trong ngôi nhà: trung tâm, cầu thang, phòng ăn, bếp… Tùy theo ngôi nhà mà người thiết kế sẽ chọn một vị trí hợp lý nhất.
Kích thước của giếng trời trong kiến trúc
Không gian giếng trời thường được thiết kế nhỏ gọn với kích thước thông thường từ 4 – 6 m2. Diện tích giếng và diện tích ngôi nhà cần hài hòa với nhau để tạo nên một không gian hiện đại và mát mẻ.
Kích thước của giếng trời ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ chiếu sáng và nhiệt độ của không gian bên dưới. Theo quy luật, kích thước giếng trời phải nhỏ hơn 5% diện tích mặt sàn đối với phòng có nhiều cửa sổ và nhỏ hơn 15% tổng diện tích mặt sàn đối với phòng có ít cửa sổ.
Hình dạng của giếng trời trong kiến trúc
Giếng trời được xây dựng theo rất nhiều hình dạng: hình chữ nhật, hình tròn, hình bầu dục, kim cương, hình tam giác, đa giác và hình ống.
Cấu trúc của giếng trời trong kiến trúc
Cấu tạo của một giếng trời gồm có 3 phần: đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng.
- Đáy giếng: ở tầng dưới cùng, được sử dụng để trang trí, làm tiểu cảnh, bố trí cây hoa, hòn non bộ…
- Thân giếng: chiếu sáng cho các tầng bên trên.
- Đỉnh giếng: có mái kính và hệ khung mái. Trên đỉnh giếng có thể trang trí bằng hệ khung mái, hoa sắt. Đỉnh giếng có cửa sổ thông gió phía trên, được chiếu sáng trực tiếp để phát huy tối đa khả năng thông gió và chiếu sáng.
Giếng trời có thể có mái hoặc không tùy vào vị trí của giếng và yêu cầu chủ đầu tư.
Công năng của giếng trời trong kiến trúc
- Tăng ánh sáng tự nhiên vào nhà, tạo sự thông thoáng cho không gian và sự tươi sáng cho công trình. Giếng trời có thể nhận ánh sáng nhiều hơn 3 lần so với một cửa sổ dọc có cùng kích thước.
- Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, giảm tác động đến môi trường. Theo báo cáo của DOE Hoa Kỳ, các tòa nhà thương mại có thể giảm ⅓ chi phí năng lượng nếu tối ưu hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.
- Giếng trời giúp lấy gió, giúp các luồng khí trong nhà được lưu thông tốt hơn và điều hòa không khí.
- Đem đến sự kết nối thị giác với môi trường bên ngoài cho những người sống bên trong, giúp cuộc sống con người gần gũi hơn với thiên nhiên.
- Tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Một số lưu ý khi thiết kế giếng trời
- Bề mặt tường của giếng trời nên sử dụng vật liệu cách âm.
- Vào mùa mưa, phải tính toán độ che của mái giếng và hệ thống thoát nước hợp lý.
- Vào mùa hè, nên lắp thêm hệ thống rèm trần dưới mái giếng để che nắng.